Truyền thống Tân Phong, Kiến Thụy

Nhiều trai tráng 2 làng Lai Trì và Rụ Dị tham gia đội thủy quân của tướng quân Vũ Hải đánh thắng giặc Mông – Nguyên trên cửa biển Đại Bàng (năm 1288); tham gia các cuộc khởi nghĩa của Đỗ Nguyên Thố, Nguyễn Sư Cối và nhà sư Phạm Ngọc chống lại quân xâm lược nhà Minh (thế kỷ XV). Đến thế kỷ thứ XVI, 2 làng tích cực ủng hộ Vương triều Mạc chấn hưng đất nước, 13 người đã được phong tướng Quận công.

Làng Thái Lai có Vũ Đức Khôi đứng lên tập hợp nhân dân khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất, dẹp bọn giặc cỏ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, khi mất, được vua Khải Định ban sắc phong là Thành hoàng làng. Ngoài ra còn có Trần Mai (tức Cử Mai, người làng Đại Lộc, xã Đại Hợp) đổ cử nhân vào thời Duy Tân, chán cảnh mất nước, nhà tan, triều đình nhu nhược, ông đã bỏ quan trường về quê dạy học và tham gia tích cực vào phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu, sau đó bỏ tiền mua ruộng đất lập nên làng Kính Trực.

Những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Tân Phong tham gia tích cực vào phong trào Đông kinh nghĩa thục và cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tân Phong là địa chỉ đỏ tin cậy, là nơi che giấu và nuôi dưỡng cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hải Phòng và Việt Minh tỉnh Kiến An về tuyên truyền giác ngộ, mở các lớp huấn luyện cán bộ và gây dựng cơ sở cách mạng; là nơi diễn ra sự kiện lịch sử thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện vào ngày 22 tháng 9 năm 1944 tại cánh Đầm Bầu, thôn Kính Trực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Tân Phong phát triển mạnh mẽ; bám sát Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 11/1944) “ về đẩy mạnh cao trào cách mạng, tổ chức lực lượng và phát triển đấu tranh vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân ở khu vực Kiến An Hải Phòng, phong trào lấy Kim Sơn làm trung tâm…”, địa phương đã “đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị” góp sức cùng với làng Kim Sơn xã Tân Trào khởi nghĩa dành chính quyền về kháng Nhật thắng lợi.

Ngày 22 và 23/8/1945 chính quyền cách mạng lâm thời ở các thôn Lão Phong, Lão Phú, Thái Lai và Kính Trực được thành lập. Ngày 24 tháng 4 năm 1946, Ủy ban hành chính cách mạng xã Tân Phong ra đời. Ngày 20 tháng 6 năm 1946, Chi bộ Đảng cộng sản xã Tân Phong được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương. Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Tân Phong kiên cường chiến đấu chống giặc càn quét, xây dựng cơ sở; đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng quê hương. Tân Phong là địa bàn trực tiếp tham gia phục vụ hận cần, điểm trú quân của bộ đội đánh sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Tân Phong vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoan cường, phối hợp với các đơn vị bạn sẵn sàng đánh địch đổ bộ từ hướng biển, tham gia bắt sống giặc lái Mỹ, bảo vệ vững chắc quê hương. Đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam “thóc thừa cân, quân thừa người”, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.